Van Lang – Heritech II: Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững và Kỹ thuật xanh trong và sau đại dịch COVID-19”

18 Tháng Ba 2022

Ngày 11/03/2022, Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa và Phát triển phối hợp cùng Khoa Du lịch và Khoa Kiến trúc Trường Đại học Văn Lang tổ chức Hội thảo Quốc tế VAN LANG – HERITECH II với chủ đề “Phát triển Bền vững và Kỹ thuật Xanh trong và sau đại dịch Covid-19” (SUSTAINABILITY AND GREEN ENGINEERING DURING AND POST COVID-19 PANDEMIC) tại Hội trường Trịnh Công Sơn, Cơ sở 3, Trường Đại học Văn lang. Sự kiện đã thu hút đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên trong và ngoài nước gửi báo cáo tham gia.

Thời gian qua, trước sự ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, đã có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành và triển khai đối với vấn đề phát triển bền vững nhằm thích ứng với những thay đổi cấp thời, đặc biệt là phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế, môi trường trong và sau đại dịch, bước đầu mang lại những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhận thức về phát triển bền vững của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhiều người dân còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất.

Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững và kỹ thuật Xanh trong và sau đại dịch COvid-19” (Sustainability and Green Engineering during and post Covid-19 pandemic) do Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa và Phát triển phối hợp cùng Khoa Du lịch và Khoa Kiến trúc Trường Đại học Văn Lang tổ chức nhằm tìm kiếm những giải pháp mới hướng đến phát triển bền vững thông qua nhiều lĩnh vực khác nhau như: khoa học máy tính, AI, khoa học vật liệu, sinh học, di sản, kiến trúc,… Hội thảo quốc tế được tổ chức lần thứ 2 của Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa và Phát triển Trường Đại học Văn Lang kể từ khi thành lập vào tháng 10/2019.

Mục tiêu của Hội nghị này nhằm thúc đẩy tính năng động của Việt Nam và sự hợp tác giữa sinh viên và nhân viên; để nâng cao sự phát triển quốc gia như một xã hội đa văn hóa và khuyến khích quan điểm rằng nghiên cứu khoa học – văn hóa phải là một phần không thể thiếu của cộng đồng; thúc đẩy mạng lưới quốc tế giữa các trường đại học, viện đào tạo và công ty và tạo cơ hội hợp tác lâu dài; đồng thời cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh viên trẻ mới tốt nghiệp bước vào thế giới việc làm; sau đó để chứng minh ảnh hưởng của các công nghệ mới trong nghệ thuật và cách chúng có thể được sử dụng để dạy và học đổi mới; và cuối cùng, thiết lập mối liên hệ bền chặt và hợp tác giữa các tổ chức trong thế giới học thuật với nhau.

Hội thảo Khoa học Quốc tế Van Lang – Heritech II tại Hội trường Trịnh Công Sơn, ngày 11/03/2022

TS. KTS. Ngô Minh Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa và Phát triển (INCHES) phát biểu khai mạc Hội thảo: “Nhìn lại gần một năm sau làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đổ bộ vào Việt Nam, đến nay tất cả chúng ta đang cùng nhau vực dậy và xây dựng lại với nhiều thay đổi. Từ những mất mát, khó khăn trong đại dịch, chúng ta đều nhận thấy rằng sự ổn định và phát triển là điều mà cả xã hội luôn hướng tới và cần phải duy trì. Đã có nhiều sáng kiến và thành tựu về mọi mặt của xã hội được áp dụng trong hai năm qua khi việc trực tiếp trao đổi và nhiều hoạt động hàng ngày của chúng ta còn hạn chế, nhưng sự đổi mới của các nhà nghiên cứu là không hạn chế, đặc biệt là trong lĩnh vực xanh và phát triển bền vững về khoa học và công nghệ! Đó là lý do hôm nay, chúng tôi có mặt tại đây, cùng trao đổi, kết nối tri thức, mang đến cơ hội cho các chuyên gia trẻ trong quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống“.

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Tâm – Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường, Viện trưởng Viện Di sản Văn Lang. Phát biểu, đánh giá cao tinh thần đóng góp và mục tiêu của Hội thảo.

Hội thảo đã quy tụ được rất nhiều các tham luận với chủ đề đa dạng như Khoa học Vật liệu, Kiến trúc Bền vững cho Di sản Văn hóa, Di sản Kỹ thuật số, Kỹ thuật và Quản lý Môi trường, Khoa học Máy tính, AI, Công nghệ Thông tin và Công nghệ Truyền thông; một chủ đề mới về Du lịch cũng được bổ sung trong Hội nghị năm nay, đây sẽ là cơ hội quan trọng để tìm ra giải pháp mang tính hiệu quả và xác thực về Di sản văn hóa và Công nghệ xanh trong và sau đại dịch COVID-19. Hội thảo với sự thảo luận của các học giả và chuyên gia có uy tín từ các trường đại học và học viện, các nhà điều hành đầu ngành và những chuyên gia đến từ 8 quốc gia (Mỹ, Pháp, Indonesia, Philippines, Bồ Đào Nha, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam). Hội thảo với 108 bài báo gửi về và 79 bài báo trong số đó đã được chấp nhận.

Trong ngày làm việc 11/3/2022, với cả hai hình thức online và offline, với hơn 50 báo cáo khoa học được trình bày. Trường Đại học Văn Lang có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành như TS. Lê Hùng Tiến, Trưởng khoa Kỹ thuật; TS. KTS. Đỗ Phú Hưng, Trưởng khoa Kiến trúc, PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh, Trưởng khoa Công nghệ; TS. Lê Minh Thành, Trưởng khoa Du lịch, …

Đặc biệt, Hội thảo có sự tham dự của 5 Keynote Speaker:

PGS. TS. Johannes Widodo – Chuyên gia nổi tiếng đến từ Đại học Quốc gia Singapore – với bài tham luận: “Saving Our Planet and Civilization: It is Wisdom, not Knowledge or Technology”.

TS. Rudi Stouffs – Trưởng Khoa Kiến trúc, Trường Cao đẳng Thiết kế và Kỹ thuật, Đại học Quốc gia Singapore – với bài tham luận: “Sustainability and Well-being During and Post Covid-19 Pandemic”.

TS. Noseworthy – Chuyên gia, Giảng viên đến từ Trường Đại học Cornell – với bài tham luận: “A Social Historian’s Perspective on Heritage Management in Southeast Asia”.

GS. Huan Nguyen – Giáo sư tại Trường Đại học Middlesex, London (U.K.) – với bài tham luận: “Digital Twin Technology”.

TS. Noha Saleeb – Giáo sư tại Trường Đại học Middlesex, London (U.K.) – với bài tham luận: “Digital Twin Technology: Heritage”.

          

          

Một số hình ảnh tại Hội thảo VAN LANG – HERITECH II, ngày 11/03/2022

Các báo cáo còn lại không trình bày tại Hội thảo, tác giả sẽ báo cáo dưới hình thức quay video và gửi về Hội đồng Hội thảo trong thời gian tới. Với nhiều chủ đề cấp thiết, sát với thực tế của vấn đề phát triển bền vững tại Việt Nam và thế giới trước đại dịch Covid-19, Hội thảo đã đóng góp nhiều giải pháp mới mẻ, chất lượng vào quá trình phát triển bền vững tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Ngân Hà.