Van Lang Heritech: Hội thảo quốc tế đầu tiên của Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa và Phát triển

06 Tháng Sáu 2021

(P.TS&TT- Văn Lang, 09/04/2021) - Ngày 09/4/2021, Hội thảo quốc tế đầu tiên của Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa và Phát triển Trường Đại học Văn Lang đã diễn ra với chủ đề “Phát triển Bền vững và Kỹ thuật Xanh” (Sustainability and Green Engineering) tại Hội trường N2T1, Cơ sở 3. Sự kiện đã thu hút đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên trong và ngoài nước gửi báo cáo tham gia.

Thời gian qua, đã có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành và triển khai đối với vấn đề phát triển bền vững, đặc biệt là phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế, môi trường, bước đầu mang lại những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhận thức về phát triển bền vững của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhiều người dân còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất. 

Hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển bền vững và kỹ thuật Xanh" (Sustainability and Green Engineering) do Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa và Phát triển Trường Đại học Văn Lang tổ chức nhằm tìm kiếm những giải pháp mới hướng đến phát triển bền vững thông qua nhiều lĩnh vực khác nhau như: khoa học máy tính, AI, khoa học vật liệu, sinh học, di sản, kiến trúc,… Hội thảo quốc tế đầu tiên của Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa và Phát triển Trường Đại học Văn Lang kể từ khi thành lập vào tháng 10/2019.

vlu heritech aHội thảo khoa học quốc tế "Phát triển bền vững và kỹ thuật Xanh" (Sustainability and Green Engineering), 09/4/2021

PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang phát biểu khai mạc Hội thảo: “Tôi biết rằng các tác giả đang tham dự ở đây đến từ nhiều chuyên môn, lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu khác nhau, cùng đi tìm một giải pháp chung cho Phát triển Bền vững và Kỹ thuật Xanh. Đây chính là nguồn cảm hứng thôi thúc chúng tôi đầu tư nghiên cứu và cũng là lý do để chúng tôi tổ chức Hội thảo Quốc tế này. Chính vì vậy, chủ đề của Hội thảo Quốc tế Văn Lang Heritech rất đa dạng, từ Khoa học máy tính, Trí thông minh Nhân tạo, Công nghệ thông tin đến Khoa học Vật liệu, Nghiên cứu Di sản Văn hóa, Di sản số, Khoa học Cuộc sống và Sinh học. Nhờ đó, Hội thảo này sẽ là một cơ hội tuyệt vời để các học giả đến từ những trường Đại học khác nhau, những Viện nghiên cứu khác nhau, những quốc gia khác nhau cùng ngồi lại để tìm giải pháp cho Phát triển Bền vững và Kỹ thuật Xanh, thúc đẩy sự tham gia của các nhà nghiên cứu, giảng viên cũng như các học giả vào các hoạt động nghiên cứu trong nước và quốc tế."

vlu heritech dTS. Nguyễn Đắc Tâm, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường Đại học Văn Lang đánh giá cao tinh thần đóng góp và mục tiêu của Hội thảo

Hội thảo thu hút 131 bài báo khoa học, trong đó có 122 bài được lựa chọn để tham luận tại Hội thảo. 25% báo cáo đến từ các quốc gia Châu Á như: Đài Loan, Singapore, Philipines, Indonesia, Ấn Độ,… 75% báo cáo đến từ các tác giả Việt Nam bao gồm 90% tác giả của Trường Đại học Văn Lang và một số trường đại học trong cả nước như: Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Cao đẳng nghệ thuật trang trí Đồng Nai, Bệnh viện Nhi đồng 2 (Hà Nội),…

Trong ngày làm việc 09/4/2021, với cả hai hình thức online và offline, Hội thảo đã tổ chức gần 50 báo cáo khoa học. Trường Đại học Văn Lang có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành như TS. Lê Hùng Tiến, Trưởng khoa Kỹ thuật; PGS. TS. Nguyễn Quốc Ý, Phó trưởng khoa Kỹ thuật; PGS. TS. Đặng Văn Nghìn, Trưởng ngành Kỹ thuật – Cơ điện tử; TS. KTS. Đỗ Phú Hưng, Trưởng khoa Kiến trúc, PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh, Trưởng khoa Công nghệ; TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng Khoa Công nghệ; TS. Vũ Thị Quyền, Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học,…

Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của 2 Keynote Speaker là chuyên gia nổi tiếng đến từ Đại học Quốc gia Singapore là PGS. TS. Johannes Widodo với tham luận "Positioning Heritage and Technology: Healing Our Planet, Continuing Our Civilization" và TS. Nikhil Joshi với tham luận "Protecting and preserving cultural heritage in the digital era". 

Một số hình ảnh tại Hội thảo Van Lang Heritech 2021 - “Sustainability and Green Engineering”

 

 

vlu heritech fTS. Nguyễn Đắc Tâm, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường Đại học Văn Lang tặng hoa Keynote Speaker PGS.TS. Johannes Widodo, Đại học Quốc gia Singapore, đồng thời chia sẻ: "Rất cảm ơn bài chia sẻ của PGS.TS. Widodo, những gì ông vừa chia sẻ đều rất khả thi để áp dụng đối với Thành phố của chúng ta. Mẹ trái đất chính là di sản của chúng ta. Mỗi phút giây trôi qua chính là di sản của chúng ta. Thế nhưng, chúng ta lại quên đi điều đó, quên đi những điều quan trọng, để rồi một ngày khi những điều đó mất đi thì chúng ta chẳng thể sống được. Tôi rất cảm ơn PGS.TS. Widodo vì đã nhấn mạnh lại những điều này. Những thông tin ông chia sẻ đều cực kỳ có giá trị đối với Trường Đại học Văn Lang và cộng đồng."

Các báo cáo còn lại, tác giả sẽ báo cáo dưới hình thức quay video và gửi về Hội đồng Hội thảo trong thời gian tới. Với nhiều chủ đề cấp thiết, sát với thực tế của vấn đề phát triển bền vững tại Việt Nam và thế giới, Hội thảo đã đóng góp nhiều giải pháp mới mẻ, chất lượng vào quá trình phát triển bền vững tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. 


Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa và Phát triển là đơn vị hỗ trợ, triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển nhóm nghiên cứu mũi nhọn của Trường Đại học Văn Lang. Đây được xem là nơi đầu tiên trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam trang bị mô hình kính thực tế ảo 3D-VR, giúp người xem tìm hiểu các công trình di sản văn hoá. Trong tương lai, Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa và Phát triển định hướng trở thành trung tâm Bảo tồn và Phát triển di sản văn hóa tại Việt Nam, mở rộng các công trình nghiên cứu trên thế giới, góp phần hoàn thành mục tiêu quốc tế hóa chương trình đào tạo của Văn Lang.

Bài: Thanh Tiền
Hình: Bảo Lê