Tin tức khác
- [Tra cứu]: Danh sách Tạp chí, Nhà xuất bản Quốc tế không được Trường Đại học Văn Lang nghiệm thu
- [Thông báo]: Danh sách Tạp chí, Nhà xuất bản Quốc tế không được Trường Đại học Văn Lang nghiệm thu
- [Thông báo]: Tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ
- MỘT SỐ CÁC TẠP CHÍ QUỐC TẾ VÀ TRONG NƯỚC THÁNG 4/2022
- Van Lang – Heritech II: Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững và Kỹ thuật xanh trong và sau đại dịch COVID-19”
- Ngành Tâm lý Đại học Văn Lang tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về tác động của biến đổi khí hậu và dịch bệnh tới gia đình, phụ nữ và trẻ em
- Hội thảo "Chuyển giao kiến thức tăng cường năng lực điều trị và phòng ngừa viêm gan siêu vi B"
- Seminar về ứng dụng Công nghệ Sinh học trong lĩnh vực Nông nghiệp - Thực phẩm - Y dược
- Hội thảo "Mega Trends Shaping Changes - các xu hướng ảnh hưởng đến nhu cầu tuyển dụng sau đại dịch Covid-19
- Đại học Văn Lang đồng tổ chức Tọa đàm “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch thích ứng với bối cảnh trong và hậu Covid-19”
Nghệ thuật chiếm đoạt hình ảnh và một số vấn đề liên quan
(VLU, 06/7/2021) – Các tác phẩm của nghệ thuật đương đại được sáng tạo dựa vào hình thức thể hiện và ý tưởng nghệ thuật. Nghệ thuật đương đại phổ biến với việc kết hợp các lĩnh vực khác nhau để trình bày một tác phẩm. Chiếm đoạt hình ảnh là một phương thức biểu hiện phổ biến trong giai đoạn này, có thể được hiểu là nghệ sĩ sử dụng các hình ảnh đã tồn tại trước đó (hình ảnh tạp chí, tác phẩm của hoạ sĩ khác, những vật thể có sẵn,…) và truyền đi thông điệp của riêng mình. Câu hỏi đặt ra là giới hạn của chiếm đoạt hình ảnh là gì, bắt chước (imitate), lấy cảm hứng, sao chép (plagiarism) trong bối cảnh nghệ thuật đương đại là gì? Bài viết đề cập đến khái niệm sáng tạo liên quan đến thuật chiếm đoạt, các nghệ sĩ, tác phẩm điển hình trong nghệ thuật này và vai trò của luật bản quyền trong thuật chiếm đoạt.
Khi bắt chước là sáng tạo
“Good artist copy, great artist steal” (Paolo Picasso)
Bắt chước (Inimate) là học thuyết sáng tạo nghệ thuật lần đầu tiên được đưa ra bởi Halicarnasssus vào thế kỉ đầu tiên TCN [5]. Nhà triết học Hy Lạp Plato coi bắt chước là một nguyên tắc chung của nghệ thuật, vì nghệ thuật tự nó là sự bắt chước của cuộc sống. Lý thuyết này phổ biến trong thời phục hưng và cổ điển. Lịch sử của in ấn cũng cho thấy sự thịnh hành của phương pháp bắt chước vì tính thương mại, khi mọi người đều muốn sở hữu các tác phẩm của nghệ sĩ.
Sao chép là một phần cơ bản của quá trình học tập sáng tạo, là cách nghiên cứu và mở rộng kiến thức với sinh viên các trường nghệ thuật trên thế giới: sinh viên vẽ minh hoạ có thể bắt chước các tác phẩm nổi tiếng để rèn luyện kĩ năng và thao tác của mình; sinh viên Thời trang có thể làm lại đầm, váy của các nhà mốt trước đó để tìm hiểu kĩ thuật, kiểu dáng và rèn khả năng dựng mẫu. Việc bắt chước thông qua sao chép giúp người học tiến bộ hơn được chứng minh trong nghiên cứu của Takeshi Okada và Kentaro Ishibashi Imitation [5].
Sáng tạo được truyền cảm hứng từ người khác
“Start copying what you love. Copy copy copy copy. At the end of the copy, you will find yourself”- Yohji Yamamoto
Mọi người bắt chước hành vi của người khác không chỉ ở bề ngoài mà còn ở mức độ xử lý nhận thức sâu hơn. Khi bắt chước hành vi của người khác, chúng ta suy ra mục tiêu của người khác và điều chỉnh hành vi dựa trên những mục tiêu suy luận đó. Do đó, bắt chước là một quá trình tượng trưng theo nghĩa chúng ta không chỉ bắt chước mà còn xây dựng các mục tiêu và quan điểm mới.
Lịch sử nghệ thuật cho thấy các nghệ sĩ thông qua việc tích cực tương tác với môi trường, đặc biệt là qua việc xem các tác phẩm nghệ thuật khác, thường có cảm hứng tạo ra tác phẩm của riêng mình. Các tác giả Takagi, Kawase, Yokocho, Oskada suy đoán rằng Picasso bắt đầu áp dụng góc nhìn mới cho tranh của mình sau khi bị ảnh hưởng bởi các nghệ sĩ khác [2]. Có ý kiến cho rằng sự thay đổi quan điểm này là điểm khởi đầu cho sự đồng sáng tạo Chủ nghĩa Lập thể của Picasso [3].
Tác phẩm nghệ thuật Nhật Bản phổ biến với nghệ sĩ châu Âu vào giữa thế kỷ 19, Ohshima cho rằng tác phẩm cọ vẽ và các biểu hiện đầy màu sắc của trường phái Ấn tượng (tranh Manet, Monet, Van Gogh,…) có thể bắt nguồn từ các bức tranh ukiyo‐e của Nhật Bản [4]. Tương tự, Homburg (1996) gợi ý rằng nhiều phong cách hội họa mới, thậm chí có thể là toàn bộ phong trào trong nghệ thuật hiện đại, đã được truyền cảm hứng thông qua việc bắt chước: Nghệ thuật Art Deco, Art Noveau và một số nghệ thuật đầu thế kỉ XX mang ảnh hưởng của chủ nghĩa chiết trung, là sự cộng hưởng của các nền văn hóa Đông - Tây cùng các sự kiện chính trị xã hội bấy giờ.
Sáng tạo bằng chiếm đoạt hình ảnh
Nghệ thuật chiếm đoạt theo William Landes là hiện tượng mượn các hình ảnh từ nghệ thuật đại chúng, quảng cáo, phương tiện truyền thông, các nghệ sĩ khác và kết hợp chúng vào tác phẩm nghệ thuật mới. Thông thường kỹ năng và kỹ thuật của nghệ sĩ không quan trọng bằng khả năng đưa những khái niệm của họ vào hình ảnh, sản phẩm thu được không phải là một bản sao đơn thuần mà là một tác phẩm mang cách diễn đạt hoàn toàn mới [dẫn theo 2].
Một số tác phẩm tiêu biểu trong nghệ thuật chiếm đoạt
Năm 1919, Marcel Duchamp công bố tác phẩm LHOOQ là hình tấm bưu thiếp nàng Mona Lisa được vẽ thêm bộ ria mép mỏng và chòm râu dê. Dòng chữ ám chỉ đến sự nóng bỏng của nàng Mona Lisa, như một thách thức với nghệ thuật bấy giờ, chống lại phương thức sáng tác của nghệ thuật truyền thống. Tác phẩm này mở đầu cho trào lưu nghệ thuật “readymade”, sử dụng vật dụng, hình ảnh và biến đổi chúng thành nghệ thuật. Marcel Duchamp và nhóm nghệ sĩ theo trường phái Dada đã mở đầu cho những tác phẩm chiếm đoạt sau này ở thế kỉ XX, phổ biến rộng rãi dưới nhiều hình thức khác nhau ở lĩnh vực nghệ thuật thị giác. Marcel cũng là người mang chiếc bồn tiểu mua tại cửa hàng bán thiết bị J.L.Mott Iron Work và ký tên “R.Mutt” đến buổi triển lãm do Hội Nghệ sĩ Độc lập tổ chức tại New York, đặt tên là “Fountain”, tác phẩm bị từ chối và phẩn đối bởi hội đồng nghệ thuật nhưng lại là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ theo phong cách “readymake” sau này.
Thuật chiếm đoạt lặp đi lặp lại và có mặt ở chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa siêu thực của những năm 30, 40, hay rõ ràng nhất ở nghệ thuật đại chúng (Pop Art) của những năm 1950. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, các nghệ sĩ siêu thực như Max Ernst, Hannah Höch đã chiếm đoạt hình ảnh từ tạp chí và đồ vật để tạo ra những hình ảnh kỳ quái mô tả tiềm thức của con người (photomontages). Salvador Dali và một số nghệ sĩ siêu thực cũng làm các sản phẩm điêu khắc bằng phương thức chiếm đoạt hình ảnh từ những đồ vật có sẵn [1].
Sherrie Levine là nhiếp ảnh gia, hoạ sĩ, nghệ sĩ ý niệm trong thập niên 70, sự nghiệp sáng tác của bà nổi bật với các triển lãm chiếm đoạt hình ảnh. “After Walker Evans” (1981) xuất hiện ở triển lãm cá nhân của bà chụp lại những bức ảnh của Walker Evans và không cần thông qua bất cứ thao tác chỉnh sửa nào, bà trưng bày, để tên như tác phẩm của mình. Câu hỏi bà đặt ra cho người xem là: khi bà chụp lại tác phẩm của Walker thì tác phẩm này thuộc về ai? Bà chiếm đoạt tác phẩm của các nghệ sĩ nam cùng với cố tình phóng tác một cách nữ tính hoá một số tác phẩm, qua đó đề cập đến sự chiếm ưu thế của các nghệ sĩ nam trong các sách giáo khoa về lịch sử nghệ thuật [5].
Any Warhol nghệ sĩ Pop Art thực hành thuật chiếm đoạt từ những hình ảnh quen thuộc của văn hóa tiêu dùng và nổi tiếng với các tác phẩm liên quan đến những người nổi tiếng, tin tức lá cải và truyện tranh. Tác phẩm Campbell’s Soup của ông được trưng bày đầu tiên vào năm 1962, dùng các tấm bạt có vẽ hình 32 hộp súp được để lên kệ (tại thời điểm bấy giờ hãng Campbell’s đã bán được 32 loại súp). Warhol đã bắt chước sự lặp lại và đồng nhất của quảng cáo bằng cách tái tạo cẩn thận hình ảnh trên các tấm toan riêng lẻ để thể hiện văn hóa ăm thực nhàm chán tại thời điểm đó.
Qua các trường hợp trên, có thể kết luận các tiêu chí định nghĩa một tác phẩm chiếm đoạt:
- Thay thế (transfomation): nghệ sĩ chiếm đoạt phải loại bỏ tác phẩm gốc ra khỏi bối cảnh ban đầu, thay thế một bối cảnh mới cho tác phẩm, định hướng người xem theo bối cảnh mới, cũng có thể thêm vào yếu tố mới với mục đích thay đổi ý nghĩa hoặc tạo thông điệp mới.
- Ý tưởng nghệ thuật được quyết định bởi phản ứng của người xem: Nếu người xem nhận thấy tác phẩm thứ hai biểu thị điều gì đó khác với tác phẩm đầu tiên, thì người nghệ sĩ thành công trong việc chuyển đổi ý nghĩa của tác phẩm gốc.
Nghệ thuật chiếm đoạt đặt ra câu hỏi về tính độc đáo, tính xác thực và quyền tác giả, vượt ra ngoài việc sử dụng nghệ thuật như một công cụ để thể hiện hình ảnh và tường thuật mà thay vào đó, nó hướng nội, đặt câu hỏi về bản chất của chính nghệ thuật. Hầu hết các tác phẩm ở nghệ thuật này sử dụng những hình ảnh mang tính “đại chúng”, các tác phẩm gốc đều là những tác phẩm kinh điển, nổi tiếng hoặc hình ảnh của những thương hiệu lớn, đây cũng là lý do các nghệ sĩ chiếm đoạt hình ảnh phải đối mặt với các kiện tụng liên quan đến bản quyền.
Vai trò của quyền tác giả trong nghệ thuật chiếm đoạt hình ảnh
Luật bản quyền đã tồn tại kể từ khi chúng ta có thể dễ dàng tạo ra các bản sao của các tác phẩm viết tay (thời kì phục hưng), bản in của các tác phẩm tranh, với mục tiêu chính là bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ. Một trong những điều cơ bản và quan trọng là: Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.” (trích khoản 1 Điều 6 Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2013).
Xem lại một ví dụ luôn là case study trong các nghiên cứu về luật bản quyền. Tháng 10/2006, Koon bảo vệ thành công tác phẩm trong vụ kiện với Blanch. Tiến trình của sự kiện như sau: Andrea Blanch chụp tác phẩm Silk Sandal của Gucci cho tạp chí Allure và được xuất bản tháng 8/2000. Sau đó, Koon dùng hình cảnh đôi chân, đôi dép kim cương và sử dụng trong bức tranh Niagara (gồm các đôi chân phụ nữ trên nền bánh nướng và bánh ngọt). Tòa án kết luận tấm ảnh được Koon chiếm đoạt nhưng xem là nguyên liệu thô và đã bị biến đổi khi đặt trong bối cảnh khác, số lượng và tính chất của tác phẩm chiếm đoạt không ảnh hưởng đến tác phẩm gốc [6].
Văn hoá đại chúng bùng nổ ở Mỹ và lan rộng toàn thế giới. Để ủng hộ các hình thức nghệ thuật phái sinh, đạo luật bản quyền 1976 của Mỹ đưa ra 4 yếu tố để xem xét một tác phẩm nghệ thuật chiếm đoạt có vi phạm bản quyền hay không:
- Mục đích và đặc điểm sử dụng
- Bản chất của tác phẩm có bản quyền (hư cấu hay thực tế, mức độ sáng tạo)
- Số lượng và tính chất tác phẩm gốc được sử dụng
- Tác dụng và việc sử dụng đối với thị trường (hoặc thị trường tiềm năng) đối với tác phẩm gốc
Sử dụng sản phẩm sáng tạo của người khác là một phần xây dựng nền văn hóa mới. Những người làm nghệ thuật có thể học tập phương pháp sáng tạo, sử dụng tác phẩm có sẵn để đột phá tạo nên những sáng tạo không giới hạn. Nghệ thuật chiếm đoạt là một trong những loại hình phổ biến trong nghệ thuật đương đại, cho chúng ta thấy việc xác định một tác phẩm đương đại ngày nay không còn dựa vào những yếu tố tạo hình đơn thuần mà thay vào đó là:
- Phương thức thể hiện bao hàm một nghĩa rộng hơn là sự xuất hiện của tác phẩm trong không gian và thời gian nhất định. Nghệ thuật chiếm đoạt chấp nhận sự sao chép nguyên bản phương thức thể hiện hoặc điều chỉnh và được luật pháp trên thế giới bảo hộ thông qua quyền sử dụng.
- Ý tưởng nghệ thuật là mục tiêu, ý nghĩa để tác phẩm xuất hiện, được thực hiện bởi kế hoạch của nghệ sĩ nhưng người xem sẽ quyết định kế hoạch đó, tác phẩm đó thành công hay đang sao chép.
Chúng ta đang sống trong một thế giới tràn ngập hình ảnh và thông tin thông qua công nghệ internet. Các nghệ sĩ, nhà thiết kế, sinh viên nghệ thuật quen thuộc với các công cụ tìm kiếm hình ảnh như Pinterest, Google, dễ dàng tìm ra các hình ảnh để truyền cảm hứng, học tập, thậm chí là bắt chước. Sinh viên Việt Nam và quốc tế đều được khuyến khích sử dụng hình để nghiên cứu, minh họa cho các dự án nghệ thuật. Liệu sinh viên Việt Nam, nghệ sĩ trẻ Việt Nam có đang thực hành thuật chiếm đoạt? Hay đang bắt chước ngày càng nhanh chóng và tinh vi hơn để tạo thành những thế hệ nghệ sĩ, thiết kế Pinterest? Nghiên cứu này mở ra những tìm tòi về phương pháp dạy, học, thực hành thuật chiếm đoạt để vẫn giữ được tính nguyên bản của mỗi cá nhân nghệ sĩ.
Hãy là một khán giả, nghệ sĩ hiểu biết để đưa chiếm đoạt hình ảnh trở thành công cụ phục vụ không giới hạn của nghệ thuật đương đại.
-----------------------------------------------------
- Wilson, Simon; Lack, Jessica (2008), The Tate Guide to Modern Art Terms, London: Tate Publishing Ltd, pp. 20–21, ISBN978-1-85437-750-0
- Takagi, Kawase,Yokocho, Oskada (Fomation of and art concept: A case study using quantitative analysis of a contemporary artist’s interview data. Proceeding in the 37th Annual Meeting of The Cognitive Science Society, Canada.
- Weisberg,R.W (2006) Creativity: Understanding in inovation in problem solving, science, invention and the art, ISBN 0471739995
- Ohshima (1980), Japonism” surrouding of impressionism and Ukiyoe, nxb Bịutsukouronsha, Tokyo
- Mondloch, Kate (Summer 2012). "The Difference Problem: Art History and the Critical Legacy of 1980s Theoretical Feminism". Art Journal. 71 (2): 18–31. doi:1080/00043249.2012.10791091. S2CID192120163.
- Case brief của Blanch và Koon https://www.copyright.gov/fair-use/summaries/blanch-koons-2dcir2006.pdf
ThS. Nguyễn Vũ Cẩm Ly
Khoa Mỹ thuật & Thiết kế