Tin tức khác
- Chương trình Hợp tác Đối tác toàn cầu Thỏa thuận tài trợ bởi Hội đồng Anh
- Trường Đại học Văn Lang ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Trường Đại học Drew (Mỹ)
- Khoa Công nghệ Ô tô Trường Đại học Văn Lang ký kết hợp tác cùng CoreTech Đài Loan
- Đại học New Zealand liên kết đào tạo ngành học “hot” Quan hệ công chúng tại Việt Nam
- Trường Đại học Văn Lang ký kết hợp tác với Korea Global School
- Khai mạc Cuộc thi tranh biện quốc tế International Debate Championship 2021
- Đại học Văn Lang và Liverpool John Moores liên kết đào tạo cử nhân
- Học tại Đại học Văn Lang, nhận bằng quốc tế danh giá của Đại học Newscatle (Úc)
- Ra Khơi 20: đồng hành khởi nghiệp cùng người trẻ
- Đại học Văn Lang ký kết MOU với Đại học Chonnam (Hàn Quốc)
Ra Khơi 20: đồng hành khởi nghiệp cùng người trẻ
(VLU, 06/07/2021) - Gần 3 tháng tranh tài, cuộc Ý tưởng khởi nghiệp chủ đề Ra Khơi 20 của Khoa Quản trị Kinh doanh đã dần đi đến hồi kết: chính thức công bố 6 đội thi vào Chung kết (05/6/2021). Đây là một sân chơi để sinh viên được thử sức với ý tưởng kinh doanh và cũng là lời cam kết về việc thực thi triết lý giáo dục “Học thông qua trải nghiệm” của Trường Đại học Văn Lang, hưởng ứng tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên.
“Ra Khơi 20 cho các em sinh viên đam mê với kinh doanh được đi và trải nghiệm trên những kiến thức của mình, cùng với sự hỗ trợ từ những người đi trước. Các doanh nghiệp sẽ là người thầy thực tế truyền kinh nghiệm và năng lượng cho các bạn trẻ trên con đường khởi nghiệp.” - Mentor Dương Thị Ngọc Mỹ, Founder Nàng Tre Asia và Công ty TNHH XD TM Thái Hòa
“CHỚ THẤY SÓNG CẢ MÀ NGẢ TAY CHÈO”
Không chỉ có sinh viên Văn Lang, nhiều sinh viên đến từ các đại học khác như Đại học KHXH&NV, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Nông lâm, Đại học Sư phạm kỹ thuật... cũng tham gia. BTC cho biết, có 106 sinh viên đã đăng ký ý tưởng với Ra Khơi 20, trong đó có 90 sinh viên Văn Lang và 16 sinh viên từ các trường bạn.
Sau thời điểm phát động, ra mắt Talkshow và buổi Training đầu tiên giới thiệu Mentors với các Mentees, dịch Covid-19 tại Việt Nam nói chung và Tp.HCM nói riêng bất ngờ chuyển biến phức tạp, kế hoạch chương trình phải thay đổi. Để không gián đoạn hành trình, Ra Khơi 20 đã nhanh chóng điều chỉnh hình thức và thể lệ thi các hoạt động tiếp theo, truyền tới các đội thi tinh thần cơ bản nhất của người khởi nghiệp: thay đổi và thích nghi.
Gần 3 tháng tranh tài cũng là thời gian các đội bận rộn chạy deadline triển khai ý tưởng. Giãn cách xã hội khiến mọi người không thể gặp nhau trực tiếp để bàn bạc. “Phải trao đổi online rất rất nhiều, đôi lúc bọn em không hiểu được nhau. Trước ngày bán kết, cả đội còn xảy ra cãi vã. Mọi người phải dành một buổi ngồi xuống tâm sự, lắng nghe nhau, gạt bỏ cái tôi để cùng nhau bước tiếp.”, Nguyễn Lê Anh Tú - thành viên nhóm Fortis Fortuna với dự án giải pháp tâm lý R U OK? chia sẻ.
Đến với cuộc thi, không phải đội nào cũng am hiểu về thị trường kinh doanh và phân tích tài chính. Điểm chung duy nhất chỉ có đam mê. “Team em toàn bộ là dân mỹ thuật, chưa bao giờ tiếp cận số liệu kinh doanh. Phần khảo sát online làm tụi em mất khá nhiều thời gian và vất vả. Trước đêm bán kết, tụi em phải luyện tập pitching với nhau đến 12h đêm mới phần nào yên tâm”, Nguyễn Hoài Nhu - thành viên Team Clube với dự án Dress up Yourself cho biết.
Team 3T1N thì rơi vào tình huống phải thay đổi về thành viên phút chót: “Ban đầu nhóm em có 4 người nhưng đến ngày đăng ký đội hình thì một bạn xin rút. Cả nhóm định bỏ cuộc nhưng nghĩ lại, rồi lại xốc lại tinh thần. Quyết tâm làm nên chuyện lớn dù đội mình ít thành viên”, Trần Đức Trung chia sẻ về dự án Sản phẩm gia dụng từ bã cà phê.
Ra Khơi 20 là một cuộc thi thực chất, khi các mentor đồng hành cùng các ý tưởng đến khi thành hình. TS. Nguyễn Quỳnh Mai - Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh cho biết: “Các Mentor và Ban giám khảo cuộc thi là những doanh nhân có sự nghiệp thành công và nổi tiếng trong xã hội, nhưng họ cũng là những người vô cùng quan tâm đến sinh viên, muốn đóng góp cho giáo dục và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.” Dù chuyển hình thức tổ chức Bán kết và Chung kết sang Online, nhưng cả giám khảo, mentor và các đội thi đều giữ vững tinh thần, thể hiện máu lửa và nhiệt huyết.
Vẫn bồi hồi sau vòng bán kết, TS. Nguyễn Thị Thùy Trang - Thành viên BTC, TS. Khởi Nghiệp và Đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học UAB, Tây Ban Nha: “Từ góc nhìn của một người nhiều năm làm việc ở phương Tây, cô nhận thấy sinh viên không hề thua kém bạn bè quốc tế. Càng đi sâu đồng hành với cuộc thi, cô càng vui và tự hào. Các bạn đã tiến bộ và trưởng thành hơn rất nhiều so với điểm khởi đầu; đầu tư bài bản, đa dạng, chất lượng về cả nội dung và hình thức; rất nhạy bén kinh doanh mặc dù không phải bạn nào cũng học kinh tế.”
VÌ “NHỮNG DIỆU KỲ NẰM Ở PHÍA XA KHƠI”
Từ 30 đội thi ban đầu, cơ hội đăng quang chỉ dành cho 1 đội duy nhất. Điều này không có nghĩa dự án của các đội còn lại sẽ nằm lại trên trang giấy. Câu lạc bộ Khởi nghiệp của Khoa Quản trị Kinh doanh sẽ là cầu nối hỗ trợ sinh viên có ước mơ và ý tưởng làm Start up tiếp tục phát triển trên hành trình của mình. Đây là một tín hiệu vui, cho thấy đích đến của chương trình không chỉ là giải thưởng mà còn là sản phẩm thực tế, là sự trưởng thành và đi tiếp của sinh viên.
Trong số các Mentor đã nhận lời đồng hành với các "thuỷ thủ" của Ra khơi 20 năm nay, có sự góp mặt của 6 cựu sinh viên Trường Đại học Văn Lang. Thế hệ đàn anh đi trước luôn dõi theo và sẵn sàng hỗ trợ thế hệ đàn em, đó là truyền thống dưới mái nhà chung Văn Lang.
Từ các cuộc thi về kinh doanh cho đến sắp tới là thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp, Khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Văn Lang đang nỗ lực và quyết tâm trở thành một thương hiệu đào tạo kinh doanh, hướng tới đào tạo ứng dụng, đa dạng hóa trải nghiệm cho người học và là cầu nối phát triển kinh doanh khởi nghiệp cho các bạn trẻ.
Bên cạnh Giảng viên Trường Đại học Văn Lang và cô Dương Thị Ngọc Liên – Giảng viên Trường Đại học Bách Khoa, sự tham gia của các doanh nghiệp trong vai trò mentor hướng dẫn đội thi là yếu tố then chốt để Ra khơi 20 tổ chức thành công. Trân trọng sự đồng hành của các Doanh nghiệp với Ra Khơi 20:
1. Ông Lê Hải Bình - Chủ tịch Tập đoàn Mắt Bão, Phó Chủ tịch Hội TMĐT VN
2. Bà Trương Lý Hoàng Phi - Chủ tịch HĐQT & CEO IBP (Investment & Business Partners)
3. Ông Phạm Hùng Phong - CEO Công ty CP Cyfeer
4. Ông Trịnh Minh Cường - CEO Happy Young House
5. Ông Lý Quang Thắng – CEO SIV Investment
6. Ông Hoàng Văn Trang - CEO Công ty sản xuất truyền hình Zoom Media
7. Ông Nguyễn Đức Bình - Giám đốc TT Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEPC) - VCCI
8. Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH Ewater Engineering
9. Ông Hoàng Ngọc Tùng – Founder Out Of Boxes
10. Ông Trần Anh Việt - Founder Boxes Viet Nam
11. Ông Đỗ Trần Anh - Chủ tịch HĐQT, CEO Farmtech Viet Nam
12. Ông Nguyễn Ngọc Long - Hộ kinh doanh Sản phẩm Thủy sinh
13. Ông Phan Thanh Huy Cường - CEO Công ty TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật sản xuất O&M
14. Bà Trần Mỹ Mỹ - CEO Công ty TNHH MTV SX TM Mỹ Tường
15. Bà Tô Thanh Huệ và Bà Dương Thị Ngọc Mỹ - Founder Công ty TNHH XD TM Thái Hòa.
16. Mr Michael Lisovich – Founder, CEO Wines of America, USA
17. Bà Phan Thùy Ly – PGĐ Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao
18. Ông Đặng Duy Hợp – CEO Công ty Cổ phần Chíp Sáng
19. Ông Lê Đức Phúc – MSc Entrepreneurship, Innovation and Management, University of Nottingham (UK)
20. Bà Phạm Minh Nguyệt – CMO Công ty Propzy Vietnam
21. Ông Nguyễn Trần Mỹ – CEO Công ty Cổ phần Herbio
22. Ông Nguyễn Hải Mỹ - Giám đốc Nông trại sinh thái Long An
6 ý tưởng vào vòng chung kết (10/7/2021)
Mỹ Tiên